XÃ XUÂN SƠN TỔ CHỨC LỄ KHÁNH THÀNH ĐÌNH LÀNG LỄ KHÊ

23/03/2024
XÃ XUÂN SƠN TỔ CHỨC LỄ KHÁNH THÀNH ĐÌNH LÀNG LỄ KHÊ

SÁNG NGÀY 11/3/2024 XÃ XUÂN SƠN TỔ CHỨC LỄ KHÁNH THÀNH ĐÌNH LÀNG LỄ KHÊ

Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình đã đi vào tâm thức của các thế hệ người Việt Nam và lưu lại như một giá trị văn hóa không thể phai mờ. Trong đó, đình làng là một thiết chế văn hóa cổ truyền của người Việt; là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, nơi dân làng gửi gắm niềm tin, ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai, thông qua các hình thức tín ngưỡng – lễ hội đầy màu sắc và thấm đượm tính nhân văn. Đình làng cũng là nơi lưu giữ Thần phả và các sắc phong - căn cứ xác tín để nghiên cứu quá trình thay đổi địa danh, địa giới hành chính của từng địa phương qua các thời kỳ lịch sử.

Làng Lễ Khê: Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Hà Tây, Lễ Khê là một trong những làng cổ ở xứ Đoài nằm ở vùng ven chân núi Ba Vì. Cũng như nhiều làng quê Việt Nam, làng Lễ Khê đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Theo chiều dài lịch sử: “ngàn năm mất nước nhưng không mất làng”. Vào thế kỷ 17 Lễ Khê thuộc Tổng Nhân Lý, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, xứ Sơn Tây. Đến thời Lê Vĩnh Thịnh , huyện Phúc lộc lệ về phủ Quảng Oai, đổi tên thành Phú Lộc.

Đến triều Nguyễn Gia Long, Phú Lộc lại đổi thành Phúc Lộc cho lệ về huyện Minh Nghĩa. Sau đó huyện Minh Nghĩa đổi tên thành huyện Tùng Thiện. Đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945, Lễ Khê là xã thuộc Tổng Nhân Lý, huyện Tùng Thiện, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 Lễ Khê thuộc xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, nay là Thành phố Hà Nội cho đến ngày nay.

Lễ Khê là làng nằm trong vành đai của “Núi Tản, sông Đà” là vùng nằm trong bộ văn lang, bộ trung tâm của của Nhà nước Văn Lang thời kỳ các vua hùng dựng nước cách đây hơn Bốn nghìn năm lịch sử, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự vận động của thiên nhiên, hiện nay làng Lễ Khê còn giữ được một công trình tương đối cổ kính là đình Lễ Khê. Theo bản phả Lục thần tích, thần sắc thì Đình Lễ Khê thờ Tam vị Tản viên sơn thánh một trong những vị anh hùng khai sáng ở buổi bình minh của lịch sử dân tộc, người có công lao trong đánh giặc giữ nước, trị thủy và dạy dân trồng lúa mà được thờ phổ biến tại các di tích tín ngưỡng truyền thống trong vùng.

Đình được xây dựng vào năm Bính Thìn 1676. Được trùng tu vào những năm năm Mậu Tuất 1898; Tân Tỵ 2001 và năm Đinh Dậu 2017 . Đình Lễ Khê, mang màu sắc, kiểu dáng phương Đông độc đáo, giàu tính nhân văn. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 Đình Lễ Khê được dùng là cơ sở để nuôi dấu cán bộ hoạt động cách mạng, là cầu nối liên lạc cách mạng giữa xã Thụy An, xã Tản lĩnh và xã Tích Giang. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, đình còn là nơi hội họp, mít tinh, biểu diễn văn nghệ, tập quân sự. Do năm tháng chiến tranh cùng với thời gian việc quản lý, tu bổ không được duy trì thường xuyên. Để đảm bảo an toàn, đình được hạ giải một số hạng mục để làm các công trình phúc lợi như: Nhà kho, trạm Y tế, lớp học... riêng các hạng mục Đại bái, Hậu Cung và cổng Nghi môn đình được bảo toàn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ngày 04/02/2003 UBND tỉnh Hà Tây ra Quyết định số 158 công nhận Đình Lễ Khê là di tích lịch sử văn hóa.

Trải qua sự thăng trầm của lịch sử và phong hóa của thiên nhiên, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc đầu tư tôn tạo di tích lịch sử Đình Lễ Khê là một việc làm hết sức cần thiết, mang giá trị văn hoá xã hội và ý nghĩa tâm linh rất cao, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân địa phương từ lâu nay. Trong những năm gần đây, do kết quả của công cuộc đổi mới đất nước mang lại, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử văn hoá, lễ hội ngày càng lớn và đòi hỏi có chất lượng dịch vụ cao hơn. Việc tôn tạo di tích lịch sử Đình Lễ Khê góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu cuộc sống tinh thần của người dân và khách thập phương tham quan, tham khảo phục vụ về lĩnh vực kiến trúc ngôi đình Việt qua các thời kỳ, góp phần vào việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Được sự quan tâm của Thường trực Thị ủy, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND Thị xã; Phòng văn hóa thông tin và các cơ quan chức năng của thị xã, cấp ủy chính quyền xã Xuân Sơn đã tổ chức trùng tu, tôn tạo ngôi đình, đến nay công trình đã chính thức hoàn thành.

BTC xin trân trọng cảm ơn Thường trực Thị ủy, HĐND, lãnh đạo đạo UBND Thị xã; Phòng văn hóa thông tin và các cơ quan chức năng của Thị xã đã luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ và nhân dân địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo công trình. Xin cảm ơn những người con xa quê đã luôn hướng về quê hương, cùng với các doanh nghiệp và nhân dân địa phương, phát tâm công đức để trùng tu, tôn tạo ngôi đình nhằm tri ân những bậc tiền nhân đã có công với nước, với nhân dân. Xin cảm ơn công ty TNHH xây dựng Mạnh Quân, đơn vị trực tiếp thi công xây dựng.

Xin cảm ơn các vị đại biểu khách quý, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các ban, ngành cơ quan chức năng của thị xã, các xã, phường bạn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, lãnh đạo các Thôn, TDP trong xã; và những người con quê hương, các quý khách thập phương, mặc dù công việc bận rộn nhưng đã sắp xếp thời gian về dự, dâng hương và chúc mừng, chung vui cùng với cán bộ và nhân dân địa phương.

Xin được chúc mừng cán bộ và nhân dân Thôn Lễ Khê từ nay đã có một ngôi đình, uy nghi, lộng lẫy, một công trình văn hóa, tín ngưỡng bề thế. Để tiếp tục quản lý, bảo tồn, khai thác, gìn giữ các giá trị về lịch sử- văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của ngôi đình, là nơi hội tụ những sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng đất cổ Xứ Đoài. Đề nghị Cấp ủy chi bộ, ban công tác mặt trận các ban, ngành đoàn thể thôn, có trách nhiệm quản lý di tích, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa gắn với việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư, ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa trong các tầng lớp Nhân dân. tiếp tục chung tay, góp sức cùng với cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng, gìn giữ, bảo vệ và phát huy có hiệu quả giá trị các di tích, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm chung của mỗi người đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số số 12/NQ-TU ngày 01/6/2021 của Ban Thường vụ Thị uỷ Sơn Tây về “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030

THÔNG BÁO